Đảng bộ

Bác Hồ với công tác phòng chống thiên tai
14/10/2024

Ngày 07/09/2024 vừa qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương. Ước tính, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng với nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị hư hại, đổ sập. Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân. Những tổn thất trên đây không sao có thể đong đếm được.

Diện tích lúa bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Lực lượng cứu hộ, vẫn đang tích cực đào bới đất tìm kiếm nạn nhân mất tích

Đảng và Nhà nước ta đã và đang vận động toàn bộ hệ thống chính trị nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão, trong đó Bộ chính trị đã họp bàn và chỉ đạo toàn bộ hệ thống phải thực hiện đảm bảo 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…

Trước hậu quả và sức tàn phá vô cùng lớn của cơn bão đối với nước ta, là Đảng viên, không ai trong chúng ta không khỏi đau xót, và càng nhắc nhớ chúng ta về những lời dạy của Bác Hồ về công tác phòng chống thiên tai, ngưỡng mộ tầm nhìn của Bác về công tác đê điều cũng như học tập Bác để nâng cao nhận thức trong mỗi Đảng viên, không chủ quan, duy ý chí, đổ tại mọi thứ do thiên nhiên. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mỗi Đảng viên trong chúng ta cần có ý thức mạnh mẽ hơn về thiên tai, dịch bệnh cũng như phòng chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai lũ lụt, đặc biệt là việc đắp đê. Năm nào Bác cũng đều đặn gửi thư kêu gọi, động viên, nhắc nhở Đảng viên, cán bộ các cấp ban ngành và toàn dân phải tích cực đắp đê, nâng kè, phòng bão, chống bão.

Bác coi bão lụt như giặc ngoại xâm, chống lụt như chống giặc, chống lụt nhằm chống đói

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Giặc lụt là tiên phong của giặc đói. Nó là đồng minh của giặc ngoại xâm". Bác từng căn dặn: “Người xưa có câu Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc. Nghĩa là phải đề phòng lũ lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thì dù lụt to mấy cũng không sợ”. Người còn nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ Quốc, ta cũng gọi Tổ Quốc là Đất Nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ Quốc. Có đất và lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Sau năm 1945, nhấn mạnh rằng, công tác phòng chống thiên tai là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ, và để chống lại “ thứ giặc ghê gớm” đó, Bác và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm vấn đề phòng chống thiên tai. Người không chỉ tham dự các cuộc họp của Trung ương Đảng, của Hội đồng Chính phủ về thủy lợi, tham dự, huấn thị tại nhiều hội nghị của ngành thủy lợi ở Trung ương và ở cả các địa phương, Người còn chú trọng việc phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, thường xuyên khuyến khích phong trào đắp đê, xây kè, chống hạn, v,v..và thường dành thời gian đi kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, sửa chữa các công trình thủy nông, đê điều, tham gia tát nước chống hạn, chống úng với bà con nông dân và cán bộ các địa phương.

Một số hình ảnh Bác đi thăm đê

Ngày 10/1/1946, khi về thăm thị xã Hưng Yên, Người nói: “Chúng tôi xuống đây có hai việc: trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê... Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là của tất cả mọi quốc dân..., cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp vào việc đắp đê…Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa". Chiều cùng ngày, Người về thăm và kiểm tra việc tu bổ lại những đoạn đê bị hư hỏng trong trận lũ 1945 ở tỉnh Thái Bình.

Bác Hồ về thăm đê Thống Thượng, xã Việt Thống, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày 26/7/1960

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, thành lập “Ủy ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều”. Không chỉ có vậy, trong các bài viết “Gửi đồng bào các tỉnh có đê” (15/6/1950); “Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê” (2/6/1952); “Ra sức giữ đê phòng lụt” (16/7/1953); “Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão” (10/6/1957), v.v.. Người một mặt chỉ rõ tác hại của thiên tai, mặt khác, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, động viên nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tỉnh có hệ thống đê điều nói riêng hãy quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, để giảm thiểu lũ lụt, hạn hán. Với ý nghĩa lịch sử đó, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 22/5 hằng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam”.

Trích một số nội dung Sắc lệnh 70/SL năm 1946

Một số bút tích của Bác

Một số bút tích của Bác

Thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của nhân dân trước các thảm họa thiên tai, trong suốt 25 năm lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 179 sự kiện đích thân chăm lo đến các vấn đề thiên tai bão lũ, hạn hán và cho đến phút cuối cùng cùng của cuộc đời Người, tháng 8/1969, Bác bị mệt, nhưng Người vẫn theo dõi tình hình mực nước lũ đang uy hiếp các triền đê. Chính phủ muốn mời Bác lên khu an toàn được tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt nhưng Bác nói: “Không! Bác không muốn đi đâu cả. Bác không thể bỏ dân. Dân ở đâu, Bác ở đó…”

Tư tưởng đại đoàn kết của Bác trong công tác phòng chống thiên tai

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra phòng chống thiên tai mà trong đó chống lụt là tiêu biểu, rất cần sự góp sức của toàn dân, sự quan tâm của toàn xã hội. Vì vậy trong thư gửi đồng bào năm 1947, Bác đã chỉ ra rằng: “Lụt thì lụt cả làng, muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo” và yêu cầu mọi người “Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó”.

Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt (6-1947)

Một số câu chuyện về Bác trong công tác phòng chống thiên tai

Chuyện 1: "Là đảng viên thì tội chú càng nặng!

Sáng 5/9/1957, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh có hẹn làm việc với Bác về vấn đề lũ lụt. Người tường thuật kể lại:

"Cháu chào Bác ạ!". Ông lãnh đạo tỉnh xuống xe, tươi tỉnh cất tiếng chào.

Bác ngồi im không trả lời.

Cuối cùng Bác hỏi: "Vỡ đê như thế, người, nhà cửa, gia súc thiệt hại có nhiều không?"

Vị lãnh đạo tỉnh trả lời: "Thưa Bác, người không việc gì, gia súc chỉ có 6 con trâu, bò bị trôi mất thôi ạ!"

Bác nghiêm mặt: "Lại còn... chỉ... có... 6... con trâu, bò thôi ạ! Chú tưởng 6 con mà nhân dân không đau xót à? Chú có phải là Đảng viên không?"

Ông này hơi lùi lại, hai tay khoanh trước ngực, giọng run run: "Thưa Bác, cháu là... là Đảng viên ạ!

Bác nói dứt khoát: "Là đảng viên thì tội chú càng nặng!

Chuyện 2: Chống úng

Năm 1960, Bác về chống úng tại xã Hiệp Lực. Bác hỏi các cô thanh niên có biết hát đối đáp không, rồi Bác lẩy kiều: “Trăm năm trong cõi người ta, chống úng thắng lợi mới là người ngoan”. Bác báo các cô lẩy tiếp. Các cô vì mải ngắm Bác mà không chuẩn bị nên không lẩy tiếp được, và xin mắc nợ với Bác. Bác nói: “Muốn lao động đỡ mệt và có sức mạnh, thanh niên nên tổ chức văn nghệ”

Chuyện 3: Ra sức giữ đê phòng lụt

Trong bài “Ra sức giữ đê phòng lụt” ngày 16/07/1953 đăng trên báo Nhân dân với bút danh CB, Bác viết: “ Đối với đồng bào dân công, phải giải thích, tuyên truyền, cổ động, tổ chức đến nơi đến chốn. Phải làm cho mọi người hiểu rõ: đắp đê giữ đê là lợi ích chung của địa phương, mà cũng là lợi ích thiết thân của mỗi người. Phải chú ý bồi dưỡng tinh thần và vật chất cho dân công. Phải hết sức tránh lãng phí ngày giờ, nhân lực và vật lực của đồng bào”.

Và còn nhiều câu chuyện khác.

Trải qua 75 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác phòng chống thiên tai Việt Nam ngày nay đã thực sự lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn và ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và của cả cộng đồng. Nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, trong những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai đã được bổ sung, hoàn thiện tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả thực hiện như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản dưới Luật.

Tổ chức bộ máy được hoàn thiện hơn với sự thành lập cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai ở Trung ương, đó là Tổng cục Phòng Chống thiên tai; cơ quan điều phối liên ngành ở Trung ương là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai được nâng tầm hoạt động từ năm 2019 với 37 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nguồn lực tài chính cũng được quan tâm đầu tư đáng kể. Thực tế cho thấy, trong 05 năm gần đây, trung bình hàng năm, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng cho các địa phương để khắc phục khẩn cấp hậu quả sau thiên tai (7.280 tỷ đồng/5 năm).

Trước tác động của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác phòng chống thiên tai cần tập trung, triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Triển khai, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về công tác phòng, chống thiên tai.

Hoàn thành việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã trên toàn quốc.

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai; nâng cấp cơ sở dữ liệu, trụ sở; công cụ hỗ trợ và trang thiết bị chuyên dùng phục vụ các hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai, xây dựng chính sách khuyến khích và thu hút sự tham gia từ khu vực tư nhân.

Học tập và làm theo Bác trong công tác phòng chống thiên tai, mỗi Đảng viên trong chúng ta cần làm gì?

Như vậy, qua các tư tưởng, quan điểm xuyên suốt của Bác, chúng ta có thể thấy Bác đặt công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt quan trọng ngang hàng với các vấn đề lớn khác của xã hội. Những lời căn dặn của Bác vẫn còn giá trị to lớn trong thời điểm hiện tại, khi đất nước ta còn phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Học tập và làm theo Bác, mỗi Đảng viên trong chúng ta rất cần thiết phải:

1. Nâng cao nhận thức hơn nữa về biến đổi khí hậu và những hậu quả nặng nề mà nó mang lại. Không chủ quan, duy ý chí, coi thường sự biến đổi.

2. Tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân cùng phòng chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bão lũ, hạn hán, phòng chống nạn phá rừng, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp… Coi các công việc này là công việc không của riêng ai mà của tất cả chúng ta. Các việc làm dù nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như: Tiết kiệm năng lượng; Thực hành đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng các phương tiện công cộng; Ăn nhiều rau xanh; Tiết kiệm trong ăn uống; Tái sử dụng và tái chế đồ vật. Đảng viên phải là người đi đầu thực hiện.

3. Tích cực nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tương trợ đồng bào vùng khó khăn, lũ lụt, hạn hán…Trách nhiệm của Đảng viên còn phải cao hơn.

4. Đối với Đảng viên trong công tác giảng dạy, cần tích cực vận động người học nâng cao hơn nữa nhận thức về biến đổi khí hậu và những hậu quả nặng nề của nó.

5. Đảng viên phải là những người gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng chống thiên tai

Đảng viên: Nguyễn Văn Hà – Chi bộ Nghiệp vụ 1

Tổng hợp, biên soạn từ nhiều tài liệu tham khảo