Đảng bộ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên và vận dụng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay
15/10/2024

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN VÀ VẬN DỤNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI HIỆN NAY

 

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Nga

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thanh niên là rường cột, là chủ nhân tương lai của đất nước và luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để thanh niên Việt Nam tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó của Người luôn được Đảng, Nhà nước ta thấm nhuần và vận dụng sáng tạo trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(1), đó là một nhiệm vụ trọng đại và thường xuyên, lâu dài mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải chú trọng thực hiện. Người cho rằng: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”(7).

Về phương diện chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, với quan điểm “đạo đức là gốc của người cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên, giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Về phương diện phát huy thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của thanh niên đối với Đảng, với nhân dân và cộng đồng dân tộc, xã hội. Nói cách khác, thanh niên được rèn luyện về lý tưởng, đạo đức, nhân cách, được học tập, trau dồi kiến thức, văn hóa, thể chất là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp chung, chứ không phải hưởng thụ cá nhân, vị tha chứ không vị kỷ.

Về phương pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ đối với thanh niên. Bởi theo Người, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh của họ, vì thế, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc. Người nhấn mạnh, giáo dục là một khoa học, cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực, phải biết kết hợp giữa việc học tập với việc chơi, dạy từ dễ đến khó; giáo dục phải gắn liền với thực tiễn xã hội, học phải đi đôi với hành.

Liên hệ thực tế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu phát triển đất nước, cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đây chính là điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên thể hiện tài năng, phát huy sức trẻ, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Nhà nước ta xác định tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

  • Thứ nhất, cần tiếp tục khẳng định và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.
  • Thứ hai, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, văn hóa, đạo đức cho thế hệ trẻ.
  • Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi trong đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh niên.

Liên hệ thực tế tại Khoa Dược,

Với môi trường làm việc thay đổi không ngừng cùng sự vận động của ngành Dược, Khoa Dược cũng tuyển dụng rất nhiều giảng viên trẻ tham gia vào công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa. Gần đây, ĐHYD cũng có chính sách tuyển dụng mới như chế độ trợ giảng với DSĐH tốt nghiệp bằng giỏi. Hiện nay, đội ngũ của Khoa và các bộ môn, liên hệ thực tế là bộ môn Quản lý dược, có rất nhiều người trẻ, là đội ngũ kế thừa sẵn sàng học hỏi từ thế hệ trước để cống hiến cho khoa, là tín hiệu tốt cho sự phát triển chung. Để phát huy năng lực của đội ngũ này, việc cử giảng viên đi học bồi dưỡng nâng cao trình độ là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp giảng viên trẻ sau quá trình học tập lại không quay trở về tiếp tục cống hiến cho Khoa. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của các bộ môn, làm tiêu tốn thời gian đào tạo, không phát huy tốt nguồn lực của Khoa. Do đó, em nghĩ việc có những chính sách tốt để tuyển dụng đúng người, đào tạo bồi dưỡng, và giữ người là việc hết sức quan trọng và cần thiết.