Đảng bộ

Tư tưởng Hồ Chí Minh – Bài học “Nói đi đôi với làm”
15/10/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phong cách nói đi đôi với làm. Theo quan niệm của Người, phong cách “nói đi đôi với làm” luôn là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời [2].

Nói đi đôi với làm" là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Trong suốt cuộc đời, Bác đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm. Nhiều câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm của Bác để cho chúng ta học tập, từ đôi dép lốp Bác đi, áo vá vai Bác mặc đến cái ô tô cũ Bác dùng, việc nhịn bữa ăn để cứu dân nghèo... đã thể hiện tấm lòng nhân ái, tấm gương đạo đức, tư tưởng vì nước vì dân. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin – nói và làm cho nhất quán [2].

Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn dân sẻ cơm nhường áo giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Hồ Chủ tịch căn dặn cán bộ: “Mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải” [1].

Hiện nay tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói mà không làm”, đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít cán bộ, đảng viên [2]. 

Một số nơi, hiện tượng bùng nổ quảng cáo “một tấc đến trời”, lạm phát ngôn từ diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều phương tiện. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh phong trào tự giác học tập và làm theo Bác về “nói đi đôi với làm” trong toàn xã hội; coi đây là nguyên tắc hàng đầu trong mọi hoạt động [3]. 

Thứ nhất, “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt và tự thực hành “nói đi đôi với làm” nghiêm túc, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo thực hiện yêu cầu đó. Người luôn coi trọng thực hành - tức là làm và hành động, làm nhiều hơn nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Học tập, làm theo tấm gương của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tự hình thành ý tưởng, đặt ra những kế hoạch cụ thể, khoa học, phù hợp với khả năng và quyết tâm thực hiện bằng được, nhằm chuyển hóa thành hiện thực. Đây là sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, giữa ý tưởng, kế hoạch và quyết tâm thực hiện với thước đo là kết quả đạt được trong hoạt động thực tiễn của mỗi chủ thể khi giải quyết mối quan hệ này. Vì vậy, quá trình thực hành, dù là cá nhân hay tổ chức cũng phải thường xuyên tự kiểm điểm, đánh giá chính xác kết quả đạt được, kịp thời bổ sung, điều chỉnh theo hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nhưng vừa sức, bảo đảm hiệu quả thực hành “nói đi đôi với làm” ngày càng cao trong quan hệ mình đối với mình.

Thứ hai, thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình với người khác. Không chỉ đề cao nêu gương của bản thân, Người còn yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm. Đồng thời, phải hoan nghênh người khác phê bình mình; việc gì cũng thiết thực, nói được, làm được. Mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là cán bộ, đảng viên, người giữ các trọng trách cao càng phải gắn trách nhiệm, danh dự cá nhân với lời nói của mình và phải quyết tâm thực hiện bằng được những gì đã nói, đã công bố trước tập thể, hoặc người khác. Cùng với đó, luôn tự kiểm điểm và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình khi mình có khuyết điểm, chưa thực hiện được những gì đã nói. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi xu nịnh, vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, các biểu hiện: “Nói nhiều làm ít”, “nói hay, làm dở”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí “nói nhưng không làm”.

Thứ ba, yêu cầu thực hành “nói đi đôi với làm” trong quan hệ mình đối với công việc. Đây là quan hệ quyết định hiệu suất, hiệu quả công việc, uy tín của cá nhân, tổ chức trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương sáng, gương mẫu về thực hành nói đi đôi với làm trong mọi công việc mà còn yêu cầu: “Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ” và “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích”; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Đối với mỗi cá nhân, khi được tổ chức giao đảm nhiệm trọng trách nào đó, thì lời nói, việc làm của họ về cơ bản được mặc định là đã vượt qua giới hạn cái riêng của bản thân họ để đại diện cho tổ chức đó. Vì thế, kiên quyết đấu tranh với những người: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế” [3].

Kế hoạch công tác được xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ nhưng cần chú ý tính thiết thực, hiệu quả, tránh đặt ra các mục tiêu to lớn nhưng không khả thi, vì “Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Tham mau, tham nhiều một lúc dẫn đến “Chính sách thì đúng, cách làm thì sai”, khẩu hiệu tuy đúng nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn [1].

Bên cạnh “Nói đi đôi với làm”, Bác còn nhấn mạnh, không được “nói một đàng làm một nẻo”. Theo Bác, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.

Không được hứa mà không làm. Đối với Đảng ta, Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. Hồ Chí Minh cho rằng, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc” [2].

Bài học bản thân

  • Vai trò cá nhân với sinh viên và đồng nghiệp, “nói đi đôi với làm” trước tiên là một đạo đức cá nhân, phải cố gắng tuân thủ làm theo, nói ít làm nhiều, không hô hào quá đà, nâng cao bản thân, hứa hẹn vấn đề quá lớn, để rồi không thực hiện được.
  • Vai trò trong công tác quản lý, quán triệt “nói đi đôi với làm”, khi ban hành chính sách, chỉ thị… thì nên đơn giản, thiết thực, không hô hào theo xu hướng, chạy theo thành tích, để rồi không triển khai được, hoặc làm nửa vời, cuối cùng đổ lỗi với nhiều lý do khác.

 

Tài liệu Tham khảo

[1] Đỗ Thị Thanh Mai, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, https://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/neu-cao-tinh-than-trach-nhiem-guong-mau-noi-di-doi-voi-lam-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-20298 (Đăng: 13/01/2021, Truy cập: 10/10/2024)

[2] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM093504 (Đăng: 02/12/2016 - Truy cập: 10/10/2024)

[3] Đại tá Ngô Văn Luyện, Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hậu cần., https://www.bqllang.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong-ho-chi-minh/10353-thuc-hanh-noi-di-doi-voi-lam-theo-phong-cach-ho-chi-minh.html (Đăng: Thứ Tư, 06/01/2021 - Truy cập: 10/10/2024)