Đảng bộ

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ  CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
17/04/2025

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ 
CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh luôn là yêu cầu, nhiệm vụ trung tâm, then chốt trong xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Giai đoạn hiện nay, trong công cuộc đổi mới đất nước với yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lại càng đóng  vai trò hết sức quan trọng.  
Hồ Chí Minh dạy rằng” cán bộ là cái gốc của công việc” và  muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” Người cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền nhà nước các cấp: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Bất cứ đường lối, chính sách gì, nếu có cán bộ tốt thì thành công còn ngược lại sẽ thất bại.
Để là người cán bộ tốt, Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ phải có đủ “đức” và đủ “tài”. Về đức, người cán bộ, công chức phải hội đủ năm đức tính: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Về tài, tài của tài của người cán bộ, công chức thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Đức và tài phải đi đôi với nhau “có đức mà không có tài thì chỉ là người vô dụng; còn có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng khó”.
1.    Quan điểm Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ
Phải đánh giá đúng cán bộ. Nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ thì sẽ không thể đề bạt, sử dụng cán bộ đúng đắn được. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy, mà còn nhằm thấy cái dở của họ để tìm cách giúp đỡ, khắc phục. Đánh giá đúng cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu phải có quan điểm biện chứng. Người cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Cán bộ cũng như vậy “có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng”; và “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”.
Phải huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm thật tốt công tác huấn luyện cán bộ, phải coi huấn luyện cán bộ là công việc gốc, hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Người chỉ rõ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; bởi vậy, “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ”. Người cho rằng, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học. Cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, cán bộ ở địa phương và cơ sở… Huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể. Huấn luyện cán bộ phải được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp xác định là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài, phải kiên trì và bền bỉ thì mới có kết quả tốt; bởi vì: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt… cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được” Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cao việc “tự học, tự đào tạo” của công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải thường xuyên không ngừng học tập, nâng cao trình độ, phải coi việc học tập là công việc suốt đời. 
Phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ
Hồ Chí Minh từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một thất bại”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để sử dụng và bố trí đúng cán bộ, phát huy hết năng lực, sở trường của cán bộ cần thực hiện tốt các việc đó là:
-    Làm tốt khâu phát hiện và lựa chọn cán bộ
-    Phải dùng khéo cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của mình. Đối với cấp dưới, người lãnh đạo phải tiếp thu, lắng nghe, góp ý, phê bình. Nếu ý kiến cấp dưới không đúng, cấp trên không quở trách mà nên vui vẻ giải thích cho họ hiểu và động viên họ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ đi trước và cán bộ kế cận. Những cán bộ đi trước có nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo, được rèn luyện thử thách nhiều trong thực tế. Còn cán bộ trẻ là những người hăng hái, nhiệt huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học tập nên nhanh tiến bộ.
-    Phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong sử dụng cán bộ phải kết hợp các loại cán bộ trên tinh thần đoàn kết cùng hướng tới mục đích chung là hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất; không cục bộ, hẹp hòi. Trong kết hợp các loại cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Phải kết hợp giữa cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, lớp cán bộ cũ và cán bộ mới, tạo nguồn cán bộ kế cận để bảo đảm sự chuyển giao công việc, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau.
2.    Vận dụng quan điểm Hồ chủ tịch trong công tác cán bộ giai đoạn hiện nay
Trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”, việc vận dụng các quan điểm của Hồ Chủ tịch sẽ góp phần giúp quá trình đổi mới thành công vì yếu tố con người là then chốt.
Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức về mô hình tổ chức bộ máy mới. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, đề cao, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo.
Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp… nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. 
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, để với mỗi một sai lầm, khuyết điểm sau khi được nhìn nhận và đánh giá đều tạo nên một bài học để cán bộ, đảng viên sửa chữa và khắc phục, công tác cán bộ của Đảng ngày càng hiệu quả. 
Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Người từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm. Quán triệt tư tưởng của Người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào công tác cán bộ phải tuân thủ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ./.


Tham khảo
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ và thực tiễn vận dụng.
Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ.

 

Chi bộ Nghiệp vụ 1