Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam là một trong những lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Năm 1987, UNESCO ra Nghị quyết vinh danh "Hồ Chí Minh là Anh hùng Giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam". Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là một tổng thể thực tiễn và lý luận, bao gồm toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng tiến bộ, đạo đức sáng ngời, phong cách sống giản dị, giàu nghị lực và tinh thần vượt khó của Người. Chính vì vậy, học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức Đảng, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.
Hình 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Nguồn ảnh tư liệu: Báo điện tử Chính phủ)
Cho đến hôm nay, sau 113 năm kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5-6-1911), nhân dân Việt Nam và nhiều người trên thế giới luôn khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, chỉ với chút kiến thức học ở trường cùng hai bàn tay trắng, dám một mình vượt đại dương để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Chỉ duy nhất có Người, với chuyến đi lịch sử 40 ngày từ Sài Gòn đến Marseille (Pháp), đã mở ra một chương lịch sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam, cho thế giới thuộc địa và cho tất cả những con người bị áp bức trên Trái đất này. Có thể khẳng định ý chí và nghị lực là hai yếu tố rất quan trọng giúp Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước và cũng chính ý chí, nghị lực đã giúp Người vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ trong hành trình bôn ba qua các đại dương, châu lục, hơn 30 quốc gia và các vùng lãnh thổ để tìm Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Hình 2. Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước
(Nguồn ảnh tư liệu: Báo Điện tử Đảng cộng sản)
Sau 30 năm bôn ba xứ người, Bác Hồ trở về Tổ quốc ngày 28-1-1941. Bác Hồ đã chọn Pác Bó làm nơi hoạt động cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bác luôn làm việc có kế hoạch và cần mẫn với một nghị lực phi thường. Tuy công việc bề bộn, ngổn ngang, nhưng giờ nào việc ấy, rất có trật tự. Người dân Pác Pó đã rất quen thuộc với hình ảnh giản dị của Bác trong bộ quần áo Nùng bạc màu, chiếc mũ vải và đôi hài bằng lá mo. Ở bên Bác, mỗi cán bộ cách mạng lại thấy mình trưởng thành hơn. Tư tưởng, tình cảm bao la của Bác luôn chan hòa, làm ấm lòng đồng chí, đồng bào, tiếp thêm sức mạnh lớn lao để vượt qua những khó khăn, thử thách trong những bước đường hoạt động cách mạng, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Tuy sống và làm việc trong điều kiện đầy cam go, gian khổ trong những tháng ngày lãnh đạo cách mạng ở nơi núi rừng Pác Bó, nhưng tinh thần của Bác vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang; Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng; Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng; Cuộc đời cách mạng thật là sang” (Tức cảnh Pác Pó – Hồ Chí Minh).
Hình 3. Bác Hồ về thăm lại Pác Bó (Cao Bằng – 1961)
(Nguồn ảnh tư liệu: Trang điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Tự học tập và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Bác dặn mọi người suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, dù công việc có bận rộn và gặp nhiều gian khổ đến đâu, Bác vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới. Người tự học mọi lúc mọi nơi và học từ những người xung quanh. Sau khi trở thành Chủ tịch nước, Bác vẫn không ngừng học tập, làm việc, đọc sách báo ngay cả lúc ốm đau, bệnh tật mệt mỏi. Với cách sống và học tập không ngừng nghỉ cùng với trí tuệ kiệt xuất, Bác có kiến thức hiểu biết rộng lớn về các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và thế giới. Tấm gương không ngừng vươn lên trong học tập và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa và giá trị to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đặc biệt là thời kỳ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay. Phát huy ý chí nghị lực và tinh thần vượt khó của Bác, hàng ngàn sinh viên của các trường đại học đã không ngại điều kiện làm việc vô cùng khó khăn và có thể nguy hiểm tính mạng, tình nguyện xung phong tham gia công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua.
Hình 4. Sinh viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19
(Nguồn ảnh tư liệu: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân để đất nước hôm nay trọn niềm vui độc lập tự do và đổi mới phát triển. Bác căn dặn thanh niên Việt Nam phải chú trọng bồi dưỡng về chí khí cách mạng, luôn vững niềm tin và sự lạc quan thì sẽ đạt được kết quả thắng lợi: “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên” (Hồ Chí Minh). Vì vậy, sinh viên, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM nói tiêng và tất cả mọi người phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, lao động và học tập xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Hình 5. Sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM giành ngôi Quán quân "Sinh viên thế hệ mới"
(Nguồn ảnh tư liệu: Báo Người lao động)
Tài liệu tham khảo
1. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự. https://baochinhphu.vn/di-san-cua-chu-tich-ho-chi-minh-mang-tinh-pho-quat-vuot-thoi-dai-va-ven-nguyen-tinh-thoi-su-10222090209054704.htm (ngày truy cập 28/8/2028).
2. Bến Nhà Rồng - "Nơi in dấu chân Bác". https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bai-1-ben-nha-rong-noi-in-dau-chan-bac-582415.html (ngày truy cập 28/8/2028).
3. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. https://bvhttdl.gov.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cach-mang-ve-vang-cua-chu-tich-ho-chi-minh-20201026145330541.htm (ngày truy cập 28/8/2028)