Đảng bộ

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung
04/10/2024

Đảng viên Nguyễn Thị Hải Yến

Chi bộ Nghiệp vụ 2, Đảng bộ Bộ Phận Khoa Dược

Phần thứ nhất: Tư tưởng của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về tư tưởng và phong cách dám nghĩ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám hành động đổi mới, sáng tạo. Ở Người, đó là một đời dấn thân, tranh đấu và dâng hiến cho Nhân dân, cho Tổ quốc, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, cơ cực, nên nỗi suy tư, trăn trở lớn nhất của Người chính là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Nỗi niềm canh cánh đó đã trở thành khát vọng mãnh liệt, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, khởi đầu cho một hành trình gian lao, nhưng đầy vinh quang - Hành trình khát vọng: “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Phải khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, từ đó có hành động để hiện thực hoá nhiệm vụ cách mạng, hướng đến mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng đó là trách nhiệm, sứ mệnh, sự dấn thân, hi sinh cao cả trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng.

Dám nghĩ trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là việc nắm vững quy luật, tiếp nhận cái mới mà hay bởi nó thuận lòng dân, đúng quy luật khách quan, phù hợp với sự tiến triển chung của xã hội Việt Nam và thế giới với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, rập khuôn, máy móc, giáo điều. Chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc.

Dám nói trong tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh thể hiện nội hàm rộng, sâu, hàm chứa trong đó tư duy phản biện, tinh thần tự phê bình và phê bình, phản ánh bản chất dân chủ của một đảng chân chính cách mạng. Nếu như “nghĩ” mới chỉ trong tư duy. Tư duy phải thể hiện bằng lời nói và hành động mà ở đây là dám nói, tức là nói những điều không phải có sẵn trong sách vở, kinh viện mà từ thực tiễn, từ cuộc sống sinh động, từ đòi hỏi của đổi mới và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Dám nói được thể hiện đậm nét trong những chỉ dẫn của Bác đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong nghệ thuật dùng người để phát huy được trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu phải “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình… Nếu cán bộ không nói năng, không đề ra ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”[18]. Muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì việc cần làm ngay, nhất định phải để cán bộ dám nói, có gan phụ trách. Bởi vì, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”.

Dám làm: Theo Hồ Chí Minh muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu, năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám làm, có gan phụ trách. Người yêu cầu cán bộ phải: “dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”. Và mục đích của dám làm là để: “Suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân,…”. Chính vì vậy mà “Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình) dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to”và Người yêu cầu “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.

Dám chịu trách nhiệm: Được thể hiện ở bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Dám chịu trách nhiệm với kết quả công việc, lĩnh vực, ngành mà mình đảm trách, và hơn hết đó chính là tinh thần dám nhận lỗi, sửa sai, chịu trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc và Nhân dân. Trong quan điểm của Người “Dám chịu trách nhiệm” còn là sự thể hiện năng lực, dũng khí dám tự phê bình và phê bình với tinh thần thật thà và thành khẩn, trung thực và triệt để với mục đích “để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết”, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình.

Dám đổi mới sáng tạo: Sáng tạo là những suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi và học hỏi để tìm ra cái mới, cách làm mới, những cách thức giải quyết tốt nhất để đạt được mục tiêu cách mạng phù hợp với điều kiện thực tế của dân tộc, của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại. Hồ Chí Minh chính là tấm gương đổi mới và sáng tạo. Người cho rằng: “Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc: Dù đau khổ đến đâu mặc lòng, ai cũng phải trổ hết tài năng, làm hết nhiệm vụ để sáng tạo tất cả cái gì có thể giúp ích cho sự kháng chiến, để làm cho mọi việc đều được tăng tiến”. Trong công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà, Người chỉ rõ: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Tiến nhanh, tiến mạnh là quy luật của chủ nghĩa xã hội. Muốn sản xuất được nhiều, nhanh, tốt, rẻ, thì phải có nhiệt tình cách mạng. Nhưng lại còn phải hiểu biết và nắm vững khoa học. Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến… Chỉ cần chúng ta có đầy đủ ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì chúng ta cũng làm được”.

Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung: là phẩm chất dũng cảm, biết đặt lợi ích chung của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; xung phong và sẵn sàng nhận, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; lấy lợi ích của tập thể và quốc gia dân tộc làm mục tiêu chi phối mọi hoạt động tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác, không xâm phạm, gây hại đến lợi ích chung. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản cao đẹp mà biết bao đảng viên cộng sản và quần chúng nhân dân đã trở thành anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ mẫu mực, tiêu biểu trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong các ngành hoạt động khác. Họ không đòi danh, đòi lợi. Họ một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Họ là những đảng viên bình thường nhưng phẩm chất cách mạng của họ thật là cao quý. Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng ấy của giai cấp và của dân tộc”.

Phần thứ 2: Giải pháp

Một là, “phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái” của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hai là, có cơ chế khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để “… cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”. Theo Hồ Chí Minh “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng”. Và bởi “Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ”.

Ba là, “mở rộng dân chủ” và “làm theo cách quần chúng”. Người khẳng định: “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân”, “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Vì thế, “… phải phát triển quyền làm chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân”, “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân”,“thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do”, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Theo Người, để cán bộ, đảng viên hiểu thấu và thực hành dân chủ phải dựa hẳn vào quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, phải biết làm cho quần chúng “mở miệng ra”.

Bốn là, ra sức thực hành “cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Cách phê bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn cho chúng ta để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thử thách và hành động vì mục tiêu chung của cách mạng đó là phải nhận thức, thực hành cho đúng và khéo “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

Năm là, phải “khéo kiểm soát”, bởi Người cho rằng: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi... Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Vì vậy, “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Công tác kiểm tra là một nội dung quan trọng được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các khâu trong quy trình lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo phải có kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Thông qua công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái trong Đảng; loại trừ các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng; nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được xác định đúng đắn, kiểm nghiệm chính xác và được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để trong thực tế. Và, qua đó, tạo ra cơ chế, khung khổ chính trị vững chắc để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hành động vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng.