(Trích lược)
Ngày 05/9/1950 ở thị xã Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử vụ án đặc biệt.
Có 03 bị cáo hầu tòa là nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội khóa 1 gửi lên Hồ Chủ Tịch. Nội dung bức thư như sau: “Gần đây, Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội, Châu đã dùng quyền lực “ban phát” ăn mặc, nên Châu đã giở trò ăn cắp (công quỹ), cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he.
Bác Hồ đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Người nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, rồi Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý.
Công tác thanh tra vụ tiêu cực ở Cục Quân nhu được tiến hành khẩn trương, thu thập đủ tài liệu chứng cứ từ Khu Bốn trở ra, Khu Ba gửi lên - Trần Dụ Châu hiện nguyên hình là một tên gian hùng, trác táng, phản bội lại lòng tin của Đảng, của Bác, quân đội và nhân dân.
Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.
Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án “tử hình”, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 02 đồng bọn của Châu, mỗi tên bị phạt án tù 10 năm.
Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...
- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
Bác gật đầu, nói “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu.
Báo Cứu quốc ngày 27/5/1950 đã đăng bài xã luận viết về vụ này một cách công khai để nhân dân biết, vụ án đã cho Chính phủ, Đoàn thể (Đảng) nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, giáo dục và kiểm soát cán bộ để phục vụ tốt cho kháng chiến, kiến quốc... mặc dù có người e ngại, vì nếu công khai vụ án này sẽ làm cho dân chúng chê trách, kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, lợi ít, hại nhiều...(?).
Đoàn thể (Đảng), Nhà nước, Bác Hồ nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu hơn nửa thế kỷ trước đây vẫn là bài học quý cho việc chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, coi đây là việc làm nhân đạo để củng cố niềm tin của quần chúng.
Kế thừa và phát huy những giá trị về tư tưởng của Bác trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí . Ngày 21-8-2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”[6]. Thể chế hoá các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”[7]
Qua đó, chúng ta thấy công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là công tác thường xuyên, liên tục và xuyên suốt cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan toả mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hoá ứng xử trong thời đại mới.