SINH HỌC TẾ BÀO CỦA VI KHUẨN GÂY BỆNH Ở NGƯỜI RICKETTSIA PARKERI
31/12/2024

Sáng thứ Năm ngày 26/12/2024 tại Phòng Họp 1, Khoa Dược - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Trao đổi khoa học tháng 12/2024 qua phần trình bày của Báo cáo viên Nguyễn Lê Quang Trung, Doctoral Researcher, The Johns Hopkins University School of Medicine (JHUSOM), Baltimore, MD (Hoa Kỳ), thu hút sự quan tâm tham dự của gần 40 giảng viên - nghiên cứu viên và sinh viên, học viên Khoa Dược.
Báo cáo viên trình bày về chủ đề “Sinh học tế bào của vi khuẩn gây bệnh ở người Rickettsia Parkeri”. Rickettsia Parkeri (Rp) là một loài gây ra bệnh sốt phát ban dạng nhẹ. Rp là một mô hình sinh học được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu các quá trình gây bệnh và miễn dịch của cơ thể với nhiễm khuẩn Rickettsia. Tuy nhiên, có một lỗ hổng kiến thức về những quá trình sinh học tế bào của chính Rp, và đây chính là mục tiêu của nghiên cứu của Báo cáo viên cùng nhóm nghiên cứu, từ đó đặt ra hai giả thuyết của nghiên cứu và đi sâu vào bàn luận, gồm: (1) Trong Rp, sự phân cực tế bào vẫn diễn ra thông qua các vị trí khác nhau của các protein PopZ, ParA, ParB và ZitP bên trong tế bào, và (2) PopZ đóng vai trò như một trung tâm điều hành các quá trình phân cực tế bào, ví dụ như quá trình phân chia ADN và các quá trình gây bệnh khác. Báo cáo viên cũng chia sẻ hiện đang sử dụng phương pháp Bio-ID: gắn PopZ với enzyme miniTurbo, một enzyme có khả năng biotin hoá các protein nằm gần khu vực của PopZ; sau đó, sử dụng biotin để phân tách các protein được biotin hoá này ra khỏi tế bào, từ đó tìm hiểu về các quá trình tế bào mà các protein này điều hành.
Qua những chia sẻ tại buổi trao đổi khoa học, Báo cáo viên hy vọng những kiến thức này sẽ giúp hiểu hơn về các quá trình gây bệnh của Rp có liên quan đến PopZ, từ đó có thể đóng góp vào quá trình phát triển kháng sinh và các phương pháp điều trị bệnh truyền nhiễm gây ra do Rickettsia nói riêng và các vi khuẩn nội bào khác nói chung.

Báo cáo viên (đứng) trình bày về chủ đề chủ đề “Sinh học tế bào của vi khuẩn gây bệnh ở người Rickettsia Parkeri”

Báo cáo viên trao đổi, thảo luận cùng các đại biểu tham dự

Báo cáo viên chụp ảnh lưu niệm cùng toàn thể đại biểu tham dự buổi trao đổi khoa học

Bài, ảnh: Tổ HTQT-NCKH, Văn phòng Khoa Dược